Tân Việt cách mạng đảng – Tiền thân của Đông Dương cộng sản liên đoàn

Tân Việt cách mạng đảng là một tổ chức chính trị với chủ trương “Đánh đổ đế quốc, xây dựng một chế độ bình đẳng, bác ái”. Hoạt động trong những năm thế kỷ XX, sau đó do bị khủng hoảng đường lối nên tổ chức này tan rã. Và có thể nói Tân Việt cách mạng đảng là tổ chức tiền thân của Đông Dương cộng sản liên đoàn.

Để hiểu thêm về lịch sử ra đời cũng như đóng góp của Tân Việt cách mạng đảng, hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây bạn nhé!

Nội Dung Bài Viết

Lịch sử ra đời của Tân Việt cách mạng Đảng

Trong cùng thời gian, khi Hội Việt Nam Cách Mạng Thanh Niên ra đời ở nước ngoài, thì trong nước, Tân Việt Cách Mạng Đảng cũng được thành lập.

Tiền thân của Tân Việt Cách mạng Đảng là hội Phục việt, được thành lập tháng 7 – 1925 tại Vinh (Nghệ An), gồm một số sinh viên sư phạm Hà Nội, như Tôn Quang Phiệt, Đặng Thai Mai…và một số chính trị phạm ở Trung Kì , tiêu biểu như Lê Văn Huân, Nguyễn Đình Kiên…

Sau ngày ra đời, hội Phục Việt hăng hái tham gia phong trào đấu tranh đòi trả tự do cho cụ Phan Bội Châu. Do bị lộ, để tránh sự khủng bố của thực dân Pháp, phục Việt đổi tên Hưng Nam (1926). Năm 1927, Hội lại đổi tên thành Việt Nam Cách mạng Đảng, rồi Việt Nam cách mạng đồng chí hội. Cuối cùng, tại Đại hội lần thứ nhất ở Huế tháng 7 – 1928, Hội lại đổi tên Tân Việt Cách mạng Đảng (gọi tắt là Đảng Tân Việt).

Hoạt động của Tân Việt cách mạng đảng

Khi mới thành lập, Tân Việt còn là một tổ chức yêu nước, lập trường giai cấp không rõ rệt, chưa dứt khoát theo một chủ nghĩa nào. Sức hấp dẫn của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh Niên đối với Tân Việt rất lớn. Có nhiều thành viên ưu tú rời bỏ Tân Việt sang gia nhập hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tân Việt đã đổi tên, điều chỉnh chương trình hành động, tổ chức của mình. Tân Việt và Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên đã nhiều lần cử đại biểu họp bàn hợp nhất nhưng không thành.

Tuy vậy, do nhận thức của bộ phận tiến tiến trong Tân Việt, và nhờ có ảnh hưởng mạnh mẽ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Tân Việt chuyển dần sang khuynh hướng cách mạng vô sản. Từ sau Đại hội lần thứ nhất (tháng 7 – 1928), Tân Việt thực sự trở thành tổ chức cách mạng mang tính chất xã hội chủ nghĩa.

Thành phần xã hội của Tân Việt chủ yếu là tiểu tư sản, gồm thanh niên trí thức, học sinh, giáo viên, tiểu thương, công chức. Về sau, Tân Việt đã chú ý kết nạp các thành phần công, nông, nhưng thành viên là trí thức tiểu tư sản vẫn chhiếm đa số. Năm 1928, noi theo Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Tân Việt cũng thực hiện “vô sản hoá”, đưa các đảng viên về nhà máy, hầm mỏ, bến cảng… để vừa tự cải tạo mình, vừa xây dựng cơ sở Đảng. Nắm quyền lãng đạo Tổng bộ Tân Việt chủ yếu là giáo giới, sinh viên trí thức (Trần Mộng Bạch, Đào Duy Anh, Tôn Quang Phiệt, Phan Kiêm Huy, Ngô Đức Diễn).
Hệ thống tổ chức của Tân Việt có 6 cấp: Tổng bộ, Kì bộ, Liên tỉnh bộ, Tỉnh bộ, đại tổ và Tiểu tổ (3 người là một Tiểu tổ, 3 tiểu tổ hợp thành một Đại tổ). Tân Việt có 3 Kì bộ, 10 Liên tỉnh bộ, và có cơ sở hầu hết ở 3 Kì, nhưng địa bàn chính hoạt động của Tân Việt là ở Trung Kì, chủ yếu ở Ngệ An và Hà Tĩnh [12;59].

Tân Việt cách mạng đảng - Tiền thân của Đông Dương cộng sản liên đoàn

Sự phân hóa trong nội bộ Tân Việt cách mạng đảng

Giữa năm 1929, Tân Việt phân hoá sâu sắc thành hai khuynh hướng: Khuynh hướng quốc gia tư sản (Chủ yếu trong những người lãnh đạo Tổng bộ), và khuynh hướng cộng sản gồm đông đảo đảng viên nhất là đảng viên trẻ giàu tinh thần yêu nước, cách mạng. Trước tình hình mới, các đảng viên Tân Việt có khuynh hướng cộng sản tuyên bố li khai khởi Tổng bộ Tân Việt, chuẩn bị tiến tới thành lập một tổ chức cộng sản: Đông Dương cộng sản Liên đoàn.

Sự chuyển biến của số đông đảng viên Tân Việt theo chủ nghĩa cộng sản phản ánh xu thế phát tiển tất yếu của phong trào cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ; đồng thời làm sáng rõ tính ưu việt và sự thắng thế của xu hướng cách mạng dân chủ vô sản trong phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ở nước ta sau chiến tranh thế giới lần thứ I.

Sự đóng góp của Tân Việt cách mạng đảng trong lịch sử Việt Nam

Sự chuyển biến về mặt tư tưởng

Từ Tân Việt cách mạng đảng đến các Đông dương cộng sản liên đoàn đã có một sự chuyển biến sâu sắc. Tổ chức này đã đóng góp nhiều trí thức yêu nước cho nền cách mạng Việt Nam.

Kiên trì đấu tranh cho sự hợp nhất và hòa bình dân tộc

Kiên trì đấu tranh cho hòa bình dân tộc cũng như sự hợp nhất các tổ chức đảng. Tân Việt cách mạng đảng sớm hiểu rõ giá trị của bài học về đoàn kết dân tộc. Họ đấu tranh cho sự thống nhất của phong trào dân tộc với tất cả tâm nguyện là để cứu nước. Ngay từ lúc vừa mới thành lập và trong suốt quá trình phát triển của Tân Việt, cuộc đấu tranh để thống nhất các tổ chức yêu nước không ngừng được đặt ra.

Vừa mới ra đời (7-1925), Phục Việt đã cử Lê Duy Điếm tìm cách liên hệ với những ngư­ời Việt Nam đang hoạt động ở vùng Đông Bắc của Xiêm (Thái Lan) và Quảng Châu (Trung Quốc). Từ đó vấn đề hợp nhất với Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên luôn luôn được coi là một tiêu chí hoạt động, một yêu cầu bức thiết đối với Tân Việt cách mạng Đảng. Nhiều đại biểu của Tân Việt được cử sang Quảng Châu vận động hợp nhất. Tiếp theo Lê Duy Điếm là Trần Phú, Trần Hậu Toàn, Nguyễn Sĩ Sách và Phan Đăng Lư­u đã sang gặp Tổng bộ Việt Nam cách mạng Thanh niên bàn việc hợp nhất.

Dấu ấn lịch sử

Cùng với sự xuất hiện của Đông Dương cộng sản Đảng và An Nam cộng sản Đảng, Tân Việt cách mạng đảng đã hoá thân thành Đông Dương cộng sản liên đoàn. Tiếp đó, tổ chức này đã nắm giữ trọng trách mới của Đảng cộng sản Việt Nam trên địa bàn mà nó đã từng hoạt động và cùng với toàn Đảng, toàn dân bước vào cao trào cách mạng 1930-1931.

Dưới ngọn cờ của Đảng cộng sản Việt Nam, nhiều chiến sỹ cộng sản có cội nguồn từ Tân Việt cách mạng đảng như Lê Mao, Lê Viết Thuật, vv đã xả thân trong cuộc đấu tranh chống áp bức và bóc lột của chủ nghĩa thực dân Pháp và phong kiến tay sai. Tổng bí thư Trần Phú trước khi trút hơi thở cuối cùng không quên dặn dò anh em đồng chí “Hãy giữ vững chí khí!”.

Tân Việt cách mạng đảng là một tổ chức chính trị có ý nghĩa to lớn trong lịch sử dân tộc. Với những tìm hiểu về lịch sử, hoạt động, đóng góp cũng như những hạn chế mà chúng tôi chia sẻ trên đây chắc chắn sẽ hữu ích với bạn. Nhất là trong thời điểm tài liệu về Tân Việt cách mạng đảng quá ít. Qua đây hy vọng bạn có cách nhìn nhận và đánh giá khách quan về đóng góp của tổ chức này.

Cuộc sống -